Vương quốc sắc đẹp mang tên Rocher

Cửa Hàng Yves Rocher Tại Pháp
   Dòng họ Rocher làm nên huyền thoại về sắc đẹp mà thiên nhiên đã ban tặng cho con người. Khái niệm Môi trường với Rocher không có trong từ điển ngày nay, cũng như trước kia, khi mà Yves Rocher phát minh, sáng chế loại mỹ phẩm không dùng chất hóa học mà chỉ chiết xuất từ thảo dược.

   Huyền thoại tỉnh lẻ

  Sinh năm 1930 tại thành phố La Gacilly, thủ phủ tỉnh Brittany, Yves Rocher là con của ông chủ một cửa hiệu bán mũ. Ngay từ nhỏ, cậu bé Yves là người yêu lao động, học rất giỏi môn hóa học và sinh học. Đặc biệt, Yves rất thích cây cỏ, gắn bó với đồng quê, nên vào năm 1944, nhiều trai trẻ tại La Gacilly bỏ xứ để đến các thành phố lớn mưu sinh, thì Yves vẫn ở lại khi nhớ lời người cha dặn: “Chúng ta cần phải đứng như những viên đá (trong tiếng Pháp từ Rocher có nghĩa là tảng đá) trên mảnh đất của tổ tiên”. Yves Rocher ghi nhớ điều này và truyền lại cho con cháu dòng tộc.

   Vào năm 1956, Yves bắt đầu nổi danh, được cho là thiên tài mỹ phẩm khi chiết xuất thuốc mỡ từ một loại cây. Người ta đồn rằng, một phụ nữ tại La Gacilly bí mật cho ông công thức gia truyền này. Thực tế là Rocher rất am hiểu về các loại cây cỏ và ông thường dùng mao lương – loại cây có nhiều ở La Gacilly – để tạo nên những công thức trong chế biến mỹ phẩm.

   Biên niên sử của tập đoàn mỹ phẩm Yves Rocher được bắt đầu từ năm 1959, khi chàng trai 29 tuổi Yves lập hãng mỹ phẩm mang tên mình. Để làm điều này, trong suốt thập niên 1950, người con của ông chủ cửa hàng bán mũ đã mày mò, nghiên cứu chiết xuất những sản phẩm làm đẹp từ thảo dược với giá phải chăng. Yves có nhiều ý tưởng để chế ra nhiều loại mỹ phẩm: Kem dành cho tay chiết xuất từ cây kim sa (arnica), kem chiết xuất từ rong tảo (algae) dành cho thân thể… Ông có cả 40 hecta đất tại Brittany để gieo trồng những giống cây phục vụ cho cuộc cách mạng làm đẹp của mình.

   “Chính tại La Gacilly – trái tim của Brittany, đã sinh ra niềm yêu thích của tôi với thế giới thực vật – Yves Rocher nhớ lại – Quả thực những ý tưởng của tôi được những cánh đồng đầy hoa và khu rừng cổ tích ở Brittany nuôi dưỡng”. Lúc đầu Yves bán hàng qua bưu điện và catalogue của ông có cái tên rất đáng nhớ: “Cuốn sách xanh của sắc đẹp”. Sau này nó được chuyển ngữ qua hơn 20 thứ tiếng với lời mở đầu: “Thiên nhiên – cội nguồn của vẻ đẹp” và đến nay là slogan của thương hiệu mỹ phẩm này.

   Người tiên phong

   Kinh doanh đang phát đạt thì vào tháng 5.1968, tại Paris nổ ra các cuộc biểu tình, bãi công lớn, trong đó có cả nhân viên ngành bưu điện. Một người vốn kỹ tính và ít chịu phụ thuộc vào Paris như Yves bỗng bị rơi vào tình cảnh ngặt nghèo. Cỗ máy làm đẹp của Yves đang phục vụ 1/3 phụ nữ Pháp bị dừng lại. Không hoảng loạn, tính toán kỹ thua lỗ, ông tìm cách “trả thù” thủ đô tráng lệ. Một năm sau – 1969, tại khu phố sang trọng Boulevard Haussmann ở Paris, Yves khai trương cửa hàng mỹ phẩm đầu tiên của mình. Đây là sự khởi đầu cho việc xuất hiện hơn 1.500 cửa hàng mỹ phẩm và trung tâm làm đẹp. Từ đây, hàng loạt các cửa hàng Yves Rocher xuất hiện tại hơn 80 quốc gia với doanh thu hiện nay là hơn 2 tỉ euro/năm. Các nhà máy của tập đoàn này giờ đây có hơn 15.000 nhân công với lượng khách hàng thường xuyên trên thế giới vượt qua con số 40 triệu.Yves Rocher đã thành công với mỹ phẩm không có chất hóa học. Không những thế, trong lễ truy điệu Rocher vào cuối tháng 12.2009 vừa qua, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã gọi Yves là “người tiên phong bán hàng qua bưu điện”. Có lẽ ít doanh nhân Pháp nào lại thu được lợi nhuận thông qua hệ thống bưu điện như Yves. Sau khi “hệ thống Rocher” đi vào hoạt động, trung bình mỗi trạm bưu điện ở Pháp hằng ngày nhận 100 lá thư gửi đến Brittany để đặt mỹ phẩm chiết xuất từ thảo dược.

  Ngoài sự nghiệp làm đẹp, Yves Rocher còn làm thị trưởng La Gacilly trong suốt hơn 46 năm. Tờ Le Point ở Paris vào năm 1995 viết: “Ai đó có thể thấy điều này là không bình thường, người sáng lập thành phố và làm thị trưởng chỉ là một gương mặt… Thậm chí tờ báo địa phương duy nhất cũng thuộc ngài Rocher. Như vậy một tay thị trưởng nắm giữ tất cả việc làm, còn tay kia là các cử tri nơi đây. Một vị trí không thể chiến bại. Liệu điều này có đáp ứng của tư tưởng cộng hòa?”.

  Với những câu hỏi đụng chạm tới danh dự như thế, ngài Yves không cảm thấy phiền lòng. Ngược lại, Yves cho rằng, nhờ kiếm được nhiều tiền mà ông giúp đỡ được thành phố. Ông nói: “Mỗi người đều thấy thú vị khi đồng hành cùng tôi”. Hằng năm, Yves Rocher phát ra trên thế giới 30 triệu tờ rơi mời du khách đến La Gacilly, xem bảo tàng nước hoa của ông, vườn thực vật, phòng nghiên cứu mỹ phẩm, căn phòng nhỏ nơi mà thời thơ ấu Yves làm những thí nghiệm đầu tiên… Quả là không uổng công: Hằng năm có 200 ngàn du khách đến La Gacilly, thành phố mà dân số chưa đến 3.000 ngàn người.

  Năm 2008, Yves Rocher từ chối ứng cử vào chức thị trưởng La Gacilly. Thay vào đó con trai của ông là Jacques Rocher lại kế vị cha. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên ở đây và cũng không có gì là bí mật khi gia đình Rocher chiếm 75% cổ phần của tập đoàn Yves Rocher. Nhưng có một bí mật mà khó ai có thể biết, đó là thu nhập của gia đình này. Bởi ngay cả quan hệ giữa các thành viên trong gia đình Rocher được xây dựng hết sức truyền thống, vẫn theo cung cách nông dân thuở nào.

   “Những viên đá tảng”

   Giờ đây tập đoàn Yves Rocher đang sở hữu nhiều thương hiệu mỹ phẩm: Daniel Jouvance, Pierre Ricaud, Isabel Derroisne, Kiotis, Galerie Noemie… Ngoài ra, năm 1988, Rocher còn đa dạng hóa hoạt động của mình khi thành lập hệ thống bán quần áo trẻ em mang tên Petit Bateau. Đó là chưa kể vào cuối thập niên 1990, Rocher còn mua lại nhà máy Stanhome của Mỹ, chuyên sản xuất các loại nước rửa chén, lau sàn nhà… cũng như sản xuất đồ gia dụng.

   Mỗi một thành viên của đế chế Rocher gánh vác một nhiệm vụ. Chẳng hạn, phòng thí nghiệm sinh học biển Daniel Jouvance do con trai ông là Daniel Rocher đảm nhiệm, còn quỹ từ thiện Yves Rocher do người con trai khác là Jacques Rocher điều hành. Daniel và Jacques còn có những đứa con, nhưng chúng sẽ không phải là người thừa kế chính thức của Yves. Bởi ngoài 2 con trai thứ nêu trên, Rocher còn người con trai trưởng Didier Rocher. Didier đã được người cha chuyển giao quyền lãnh đạo tập đoàn vào năm 1992, nhưng đến năm 1994 Didier bị chết khi đi săn hổ cùng bạn bè.

   Ngược lại với mọi dự đoán, Yves đã chọn cháu đích tôn, con trai của Didier là Bri Rocher làm người thừa kế chính thức. Tuy Bri chưa có bằng đại học, nhưng vào năm 2007 ông trao cho Bri chức Phó chủ tịch tập đoàn Yves Rocher. Hơn thế, trước đó Bri hoàn toàn không quan tâm đến chuyện kinh doanh mà chỉ mê say nhạc jazz. Dù vậy Yves vẫn bỏ qua các điểm yếu này để gìn giữ truyền thống dòng họ.

   Trường đại học tổng hợp của Bri là nước Mỹ. Ông Yves gửi Bri đến làm việc tại hãng Arthur Andersen và được Stefan Bianchi, một nhà quản lý dày dạn kinh nghiệm, bạn của Yves kèm cặp. Mọi việc trở nên tốt đẹp, để khi quay trở về Pháp, Bri trở thành con người khác khi nói với cánh nhà báo: “Giờ thì tôi đứng vững trên mặt đất”. Khi được hỏi: Chiến lược của ông? Bri trả lời: Cần phải tư duy trước một bước.

   Người thừa kế mới ngoài 30 tuổi này nói và hành động. Xung quanh Bri giờ đây là đội ngũ các nhà tư vấn sành sỏi trong lĩnh vực mỹ phẩm và bán hàng. Nhiệm vụ mới trước họ là trong kỷ nguyên của internet, khi lượng mỹ phẩm bán qua bưu điện chỉ đạt 45% doanh số thì việc còn lại là bán hàng qua các cửa hàng, các kiốt. Và họ đã làm được. Cuộc sống và sự nghiệp của Bri Rocher được hình thành theo cách người ông nội vĩ đại nói: “Mỗi một ngày mới, chúng ta cần phải bắt đầu bằng việc làm mới mình”.

Nguồn: Tổng Hợp Từ Internet

One Response so far.

  1. Unknown says:

    Cảm ơn chia sẽ của bạn nhé my pham tri nam da

Phản hồi